🔴 Tối nay 19-11, lễ tưởng niệm đồng bào mất trong đại dịch COVID-19 diễn ra tại điểm cầu chính là hội trường Thống Nhất lúc 20h. Các cơ sở thờ tự sẽ rung chuông lúc 20h30. VTV tường thuật trực tiếp.
Lễ tưởng niệm đồng bào đã mất trong dịch COVID-19 diễn ra ở điểm cầu chính Dinh Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan
Đúng 20h ngày 19-11, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 đã chính thức diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước.
Buổi lễ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối với hợp TP.HCM, TP Hà Nội và các địa phương trong cả nước tổ chức.
Chương
trình với 2 điểm cầu: điểm cầu tại khuôn viên ngoài trời Hội trường
Thống nhất TP.HCM và tại Công viên Thống Nhất, TP Hà Nội.
Tham dự
lễ tưởng niệm tại điểm cầu TP.HCM có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn
Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban
Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch
nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo, nguyên
lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại điểm cầu Hà Nội có Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Cả 2 điểm cầu còn có đại diện bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương; các tổ chức ngoại giao; lực lượng phòng chống dịch và thân nhân , gia đình đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong dịch COVID-19.
Đúng 20h những ngọn nến được thắp lên để tưởng nhớ những người đã mất - Ảnh: Duyên Phan
Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, yên giấc ngàn thu
Đại
dịch COVID-19 đã khiến hơn hai vạn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước
hi sinh, tử vong. Hàng vạn gia đìng mất đi người thân. Đó là nỗi mất
mát không gì có thể bù đắp được.
Phát biểu tưởng niệm tại hội trường Thống Nhất TP.HCM với niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, ông Đỗ Văn Chiến - chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19.
“Nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng”, ông Đỗ Văn Chiến nguyện.
Trong
gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả
thế giới, trong đó có nước ta. Ông Chiến cho rằng trong khó khăn hoạn
nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp. Hàng triệu “phần quà đại đoàn
kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn
trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước
ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân
TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo
tâm, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục ngàn tỷ
đồng để mua vắc xin tiêm miễn phí cho người dân. Hàng vạn cán bộ, nhân
viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã bất chấp nguy hiểm, xông
pha vào tâm dịch để chăm sóc, chữa trị người bệnh.
Nhiều cán bộ,
chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm
vụ. Có những người khi bố mẹ từ trần không thể về chịu tang. Theo ông
Chiến, trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc,
cán bộ, chiến sĩ, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện
nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh.
Trong đó, hàng trăm người
đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng
chí. Dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có
hơn 1 triệu người nhiễm COVID-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn
23.000 đồng bào. “Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm
mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng
trối.
Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong. Có những người đại
dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh
ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt
sữa đầu đời - thật là đau xót”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt
Nam xúc động.
Ông Chiến bày tỏ niềm xót xa khi đại dịch tràn qua
để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em
bỗng mồ côi. Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố
gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo
theo phong tục, tập quán.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin
thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng
bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch
bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh COVID-19
sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất
mát nữa”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nguyện.
Bà Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư, chủ tịch HĐND TP.HCM cùng ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ tưởng niệm - Ảnh: Lê Phan
Có mặt trong hội trường Thống Nhất để tham gia Lễ tưởng niệm, cô Trần Thị Mười (51 tuổi, Q.1) tâm sự: "Cả gia đình tôi 8 người đều không may mắc COVID-19, nhưng chỉ có ông xã tôi là không qua khỏi vì có bệnh nền - gan mãn tính. Hôm nay đến đây tôi muốn gửi lời tới ông xã nơi phương xa, mong ông sớm siêu thoát, tôi và các con mãi nhớ về ông và sẽ cố gắng sống thật tốt" - Ảnh: Duyên Phan
Tại chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM buổi lễ thả hoa đăng đang có hàng trăm người dân tham dự. Nhiều thân nhân có người mất cũng đến tại chùa chờ cơ quan chức năng hoàn thành lễ tưởng niệm sẽ vào chùa để thả hoa đăng cầu nguyện cho người thân. Nước mắt lưng tròng, bà Nguyễn Thị Thu Hà ngụ quận Tân Phú cũng các chị em mua 16 ngọn hoa đăng để thả cầu nguyện cho mẹ mình vừa mất do dịch bệnh. "16 hoa đăng là tấm lòng báo hiếu của 16 người con chúng tôi. Đợi dịch giãn ra chúng tôi sẽ đưa mẹ về Hà Nội - quê gốc của bà để thờ tự. Mẹ đã không thể về thăm quê, thăm họ hàng như ước nguyện..." bà Hà nghẹn lời - Ảnh:
Ngoài điểm cầu chính, hoạt động tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ mất vì COVID-19 còn diễn ra tại nhiều nơi. Trong ảnh, chùa Pháp Hoa, quận 3, TP.HCM với lễ thả hoa đăng - Ảnh: Lê Phan
Người dân cầm hoa đăng để chuẩn bị thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận 3, TPHCM - Ảnh: Quang Định
Cán bộ quận 7, TP.HCM chuẩn bị đèn hoa đăng cho lễ tưởng niệm - Ảnh: Ngọc Phượng
Chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm đồng bào qua đời trong đại dịch COVID-19 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh: Nam Trường
Tại bến tàu cao tốc Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM, công ty Greenlines DP tổ chức lễ tưởng niệm. Ba chiếc tàu cao tốc rúc lên những tiếng còi tiễn biệt trên sông - Ảnh: Tự Trung
Thả hoa đăng tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn cầu Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM để tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ mất trong dịch COVID-19 - Ảnh: Lê Phan
Thời khắc thiêng liêng
19/11/2021 20:39 GMT+7Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Thời đề nghị đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước dành những giây phút lắng đọng nhất để dâng hương, dâng hoa, tắt đèn, thắp nến, rung chuông, thả hoa đăng tưởng nhớ, tiễn biệt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát, yên giấc ngàn thu.
Người dân thấp nến ở lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 tại Q.7, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Phượng
Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm, dâng hương, hoa để tưởng nhớ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.
Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa đến để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Duyên Phan
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng là người đầu tiên dâng hương, hoa để tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hi sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Người dân tưởng niệm nạn nhân COVID-19 trên tại một con hẻm khu phố 3, đường Vĩnh Khánh , quận 4 - Ảnh: Tự Trung
Tại đầu cầu Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành uỷ Hà Nội - và bà Bùi Thị Minh Hoài - trưởng ban Dân vận Trung ương - cùng đại biểu, người dân đến dự lễ đã thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm.
Lãnh đạo Nhà nước, TP Hà Nội và người dân dâng hương, thả hoa đăng tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19 tại Công viên Thống nhất - Ảnh Phạm Tuấn
Tiếng chuông cùng lời kinh cũng xoa dịu nỗi đau
19/11/2021 19:59 GMT+7Đúng 8h Thượng tọa Thích Thanh Tuấn thỉnh 3 hồi chuông để bắt đầu lễ tưởng niệm tại chùa Quán Sứ cùng với hàng ngàn ngôi chùa trên khắp cả nước.
Tại
đây, từ 18h đã có cả trăm Phật tử tập trung trước Tam Bảo để chuẩn bị
cho lễ cầu siêu tưởng niệm đồng bào đã mất trong đại dịch COVID-19 vừa
qua.
Đặc biệt trong đó có nhiều bạn trẻ và cả các em nhỏ theo bà, theo mẹ
cùng dự lễ, đọc kinh cầu siêu cho các các vong linh không may qua đời
trong dịch COVID-19, làm yên lòng hơn cho người thân của những người đã
mất.
Ngồi giữa những người chuẩn bị đọc kinh cầu siêu trước Tam
Bảo, chị Hồ Thị Minh - 40 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội - cho biết chị
không đến lễ tưởng niệm một mình mà đi cùng với hai con gái Giao Linh
(14 tuổi) và Tường Vy (9 tuổi).
Ba mẹ con đã có mặt tại chùa Quán
Sứ từ 18h30. Là một Phật tử, chị Minh thường cho hai con gái cùng tham
gia các buổi tụng kinh cầu siêu tại chùa. Đặc biệt, lễ tưởng niệm hôm
nay chị Minh càng muốn đưa các con cùng tham gia.
Bé Lê Tường Vy, 9 tuổi, học sinh trường Tiểu học Thịnh Hào cho biết tới chùa Quán Sứ từ lúc 6h cùng với mẹ và chị gái để tham gia lễ tưởng niệm - Ảnh: Nam Trần
Chị mong những lời kinh cầu của mẹ con chị không chỉ cầu nguyện cho
các hương linh người mất được siêu thoát, an ủi người thân của hơn 20
vạn đồng bào không may qua đời trong đại dịch, mà còn giáo dục cho các
con về lòng yêu thương, sự sẻ chia, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn và
nghị lực vượt qua nghịch cảnh.
Bé Tường Vy con gái chị Minh dù mới 9 tuổi nhưng cũng đã thấm nỗi đau buồn khi thời gian qua hàng ngày phải nghe rất nhiều tin về những người đã mất vì COVID-19 trên tivi. Bé cho biết hôm nay mình đã rất trong mong được tham gia lễ tưởng niệm cùng mẹ và chị, dù bài kinh bé còn nhiều câu chưa đọc được.
Nói về ý nghĩa của tiếng chuông linh thiêng được hàng ngàn ngôi chùa trong cả nước đồng loạt thỉnh lên để bắt đầu lễ tưởng niệm, hòa thượng Thích Thích Bảo Nghiêm - phó chủ tịch Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết:
“Tiếng chuông cùng lời kinh cũng xoa dịu nỗi đau, động viên, an ủi, chia buồn với những người thân của những người đã mất trong dịch. Phật giáo cứu âm độ dương là thế. Người Việt cả khi sống và chết thường nương dựa vào chùa”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Hòa thượng cho biết, trong nghi lễ của Phật giáo, tiếng chuông không thể thiếu, được thỉnh lên mỗi độ sáng sớm, chiều tối.
Người
đánh chuông phải có quán tưởng theo lời dạy: “Giờ đây con xin đánh
chuông này/ Tiếng chuông thấu khắp mọi nơi xa gần/Ai nghe thấy lòng trần
nhẹ bẫng/ Dạ Bồ đề nguyện chứng lên ngay”.
Hàng ngàn ngọn nến, đèn hoa đăng được thắp lên trong đêm tưởng niệm ở Hà Nội
19/11/2021 19:22 GMT+7Tối
nay, hàng ngàn ngọn nến, đèn hoa đăng đã được thắp lên để tưởng nhớ
những người không may mất trong đại dịch COVID-19 và tri ân cán bộ, chiến
sĩ đã hy sinh trong đại dịch.
Tại
Hà Nội, hơn 300 đại biểu thay mặt cho hàng triệu người dân trên thủ đô
có mặt tại công viên Thống Nhất để thắp lên những ngọn nến tưởng nhớ.
Từ Bình Dương về Hà Nội dự lễ
tưởng niệm, một người phụ nữ mang theo di ảnh của người thân đứng vọng
từ xa. Chồng bà qua đời 5 tuần trước vì COVID-19:
"Vợ
chồng tôi sống ở Bình Dương, lúc đó đang làm tâm dịch. Ông mắc
COVID-19, được đưa đến viện nhưng không qua khỏi. Ông mất rồi, tôi cùng
con cháu đưa ông về quê, gia đình tôi gốc Hà Nội, vợ chồng sống ở Bình
Dương 14 năm rồi".
Bà
lặng lẽ hướng về những ngọn nến được thắp lên: "Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã
tổ chức lễ tưởng niệm này. Chúng tôi rất xúc động, biết ơn, không chỉ
riêng gia đình tôi mà còn biết bao người đã mất trong đại dịch, để lại
biết bao nỗi đau, đột ngột quá".
Từ
19h rất nhiều người trẻ đã thay nền avatar trên các tài khoản mạng xã
hội với thông điệp tưởng nhớ, kèm hastag: #dayluicovid-19 #VietNamcolen
#doanthanhnien #tuoitreThudo.
Lễ
tưởng niệm tưởng nhớ những người đã không may mất vì COVID-19, chia sẻ
những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Đây cũng là
nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi
chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Tại Thủ đô Hà Nội Đinh Tiến Dũng thả hoa đăng tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch COVID-19 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngoài những đại biểu đại diện lãnh đạo Nhà nước, TP… còn có đại diện
các tổ chức tôn giáo đến để cùng dâng lời cầu nguyện tưởng niệm.
Có
mặt tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) trong tối 19-11 để hiệp thông lời
cầu nguyện cho những người đã tử vong vì COVID-19, linh mục Antôn
Nguyễn Văn Thắng - quản xứ giáo xứ Chính toà Hà Nội - cho biết đây buổi
lễ tưởng niệm hôm nay được tổ chức là một hoạt động rất ý nghĩa.
“Đối
với bên Công giáo thì tháng 11 là tháng chúng tôi dành riêng để cầu
nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Ngày hôm nay, nhà nước tổ chức một
buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân mất vì COVID-19 như thế này tôi thấy
rất ý nghĩa.
Tôi muốn gửi lời chia sẻ tới những người có người thân qua đời vì dịch bệnh. Xin Thiên Chúa ban thêm nghị lực cho những người còn sống, để họ tràn đầy hy vọng đối diện với đại dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay” - linh mục Antôn Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Viết bài: Hà Thành - Phạm Tuấn
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Cập nhật: #Vinh Tiên
BÌNH LUẬN